Người giữ hương vị “men rừng”
Giữa bao đổi thay của cuộc sống, có người phụ nữ đã hơn 20 năm chung thủy với nghề làm rượu cần truyền thống, gìn giữ nghề, sống với nghề, mang đến cho người đời hương vị men rừng của người Hre dưới chân núi An Lão.
Lưu giữ nghề truyền thống
Gia đình chị Đinh Thị Co nằm giữa thôn 2 của xã An Hưng, rất dễ nhận ra bởi trước sân phơi đầy ché, từng đống củi từ cây keo già cỗi được xếp thành đống. Bên cạnh ngôi nhà xây khang trang là căn nhà gỗ đã cũ chỉ dành cho việc nấu và ủ rượu cần. Bước chân qua cửa, mùi men rượu phả ra thơm nồng hòa lẫn mùi thơm của cơm gạo mới nóng hổi vừa được trải ra nong đợi nguội. Chị Đinh Thị Co (45 tuổi) khéo léo rắc đều từng nắm bột men trộn đều và bắt đầu câu chuyện về thứ “men rừng” mà làm cho “trời đất” cũng phải ngả nghiêng say…
Rượu cần đối với người Hre ở huyện miền núi An Lão không chỉ là một thứ thức uống đặc biệt có mặt trong “danh sách” văn hóa ẩm thực mà còn gắn với đời sống tín ngưỡng, tâm linh. Rượu cần được xem như một thành tố không thể thiếu cấu thành nên không gian văn hóa cồng chiêng với bếp lửa, vòng xoang, nhịp điệu trầm hùng và những bước đi nồng nàn, chuếnh choáng. Ở đâu có giai âm cồng chiêng, ở đó phải có rượu cần. Rượu cần còn gắn với người Hre qua nghi lễ vòng đời: lễ đặt tên, đám hỏi, đám cưới, đám tang,...
Từ nhỏ, Chị Đinh Thị Co đã theo mẹ lên rừng lấy cây về giúp mẹ làm men ủ rượu cần. Khi mới là thiếu nữ, chị đã ủ được những ché rượu cần thơm ngon có tiếng. Khéo tay, chị Co ủ rượu để dùng trong gia đình, rượu chị làm có vị ngọt đậm đà men nồng ấm, thơm ngon, không có vị chua, nên nhiều bà con trong làng hỏi mua. Được mọi người khen chị “có tay” làm rượu, khi lập gia đình, chị lấy nghề làm rượu cần để nuôi lớn 02 người con.
“Rượu cần truyền thống của người Hre được làm từ cơm gạo lúa rẫy, ủ bằng men làm từ củ, thân, lá cây rừng. Để làm ra một ché rượu thơm ngon ưng ý nhất thì tốn công sức và thời gian lắm. Nếu trộn men đậm quá thì vị rượu sẽ bị đắng, ít quá thì rượu rất nhạt. Bởi thế, hương vị rượu cần của người Hre thường phải có đủ vị đắng, ngọt, chát và chút mùi thơm giống mật ong rừng, càng để lâu uống càng ngon và bổ dưỡng, già trẻ, trai gái đều có thể uống, nhưng say lúc nào thì không biết...” chị Co cười nói. Để có chất lượng rượu ngon, chị Co luôn giữ bí quyết mà chị học được từ mẹ, bên cạnh đó phải giữ nghiêm ngặt các công đoạn, theo một quy trình nhất định.
Trước đây, khi đời sống khó khăn, lương thực còn thiếu cho bữa ăn hàng ngày, rượu cần là một thứ xa xỉ, chỉ đến dịp lễ tết, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, cả buôn làng mới có vài hũ được ủ để dành, sau khi cúng thần linh, mới cùng nhau quây quần uống, cùng nhau hát múa. Cả buôn phải chuẩn bị nấu rượu cần từ trước đó hai tháng, trong các dịp lễ hội, tế lễ, ché rượu nhà nào ngon nhất sẽ được lan truyền, trong đó những người phụ nữ có bàn tay khéo léo làm nên những ché rượu ngon được buôn làng ngưỡng mộ, tôn vinh, trở nên nổi tiếng. Chị Đinh Thị Co cũng được biết đến là một người phụ nữ như thế.
Để hương rượu cần bay xa
Rượu cần của của chị Đinh Thị Co có vị ngọt, mùi thơm đặc trưng nên được các ngành như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân,... chọn rượu cần mang thương hiệu Đinh Thị Co giới thiệu tại các gian hàng sản phẩm truyền thống của huyện, tỉnh. Từ đó, rất nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến thương hiệu rượu cần của chị.
Mỗi mùa lễ, tết, trong nhà chị Co không bao giờ dưới 500 ghè rượu cần. Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán năm nay, từ tháng 10 đến nay, chị Co đã cùng hai con làm được hơn 520 ghè rượu cần. Chị Co nói, sản phẩm rượu cần của gia đình chị hút khách trong huyện có, ngoài huyện cũng rất nhiều, đặc biệt là ở Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Thành phố Hồ Chí Minh năm nào cũng có khách đặt hàng.
“Tôi thấy kinh doanh rượu cần cũng có người mua, thời gian bán nhiều nhất từ tháng 11 đến Tết Nguyên đán, bên cạnh bán cho hành khách thì bà con trong làng họ cần rượu cần để làm lễ này kia như đám cưới, đám tang, … Từ đó tôi nảy sinh ra ý tưởng làm men tự làm. Mặc dù men thị trường rất rẻ và tiện, khi nào làm rượu thì chạy ra ngoài mua nhưng vẫn muốn tự làm vì men thị trường và men tự làm nó khác nhau. Men đây mình ủ 2, 3 ngày nó mới thơm, men thị trường mình ủ 1 đêm nó ra nước rồi. Men tự làm nó có vị chua, vị chát 1 ít, men thị trường thì nó quá ngọt, không có vị thơm..” Chị Co chia sẻ thêm.
Giá bán của mỗi ghè rượu cần dao động từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng. Vào dịp cao điểm lễ tết, chị bán được cả 200 ghè rượu mỗi tháng. Từ niềm đam mê hương vị rượu cần truyền thống, chị Đinh Thị Co đã trở thành phụ nữ điển hình khởi nghiệp thành công của huyện An Lão và góp phần bảo tồn những nét đẹp mang giá trị truyền thống của người dân nơi đây.